Trước đây, các nhà khoa học đã biết mũi đóng vai trò quan trọng trong việc chống vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể người qua đường không khí hít vào. Nhưng nay, các nhà khoa học mới hiểu cặn kẽ cách thức mũi hoạt động như một hàng rào bảo vệ.

Nhờ có các exosome giúp ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể con người nên mũi mới thực hiện được vai trò hàng rào bảo vệ - Ảnh : Bệnh viện Massachusetts Eye and Ear

Nhờ có các exosome giúp ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể con người nên mũi mới thực hiện được vai trò hàng rào bảo vệ - Ảnh : Bệnh viện Massachusetts Eye and Ear

Theo Journal of Allergy and Clinical Immunology, mũi của chúng ta hoạt động như một rào cản ngăn chặn sự xâm nhập của nhiều loại bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Đó là điều các nhà khoa học đã biết đến từ lâu, nhưng điều đó diễn ra như thế nào thì vẫn còn bí ẩn. Nay, các nhà khoa học Mỹ xác định được cách “vọng gác” mũi hoạt động nhờ có các exosome trong đường hô hấp. Đó là các túi bào kích thước rất nhỏ với đường kính từ 30-100nm do tế bào sống tiết ra. Exosome chịu trách nhiệm liên lạc giữa các tế bào, tham gia vào việc tiết protein, tạo điều kiện cho phản ứng miễn dịch và nhiều chức năng khác nữa.

Mới đây, các nhà khoa học Mỹ ở Bệnh viện Massachusetts Eye and Ear đã phát hiện thêm một chức năng của các exosome giúp ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể con người. Chúng chuyển các protein kháng khuẩn bảo vệ từ phía trước mũi ra sau, bảo vệ các tế bào khác khỏi vi khuẩn trước khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Đáng chú ý là mũi có thể ngay lập tức giải phóng hàng tỉ exosome vào chất nhầy ngay khi vi khuẩn bắt đầu xuất hiện và tiêu diệt chúng để bảo vệ các tế bào. Tiếp theo, các exosome chuyển mạch bảo vệ đến các tế bào của đường hô hấp để tiêu diệt nốt các vi khuẩn còn sót lại.

Ngoài ra, các tế bào ở phía trước của khoang mũi có thể kích hoạt thụ thể TLR4 để giải phóng các exosome. Sau đó hệ miễn dịch được kết nối với thụ thể giúp tăng gấp đôi lượng exosome. Các nhà khoa học đã xác định được rằng sau khoảng 5 phút kể từ khi bắt đầu kích hoạt thụ thể TLR4, hệ thống miễn dịch "bừng tỉnh", tăng tiết gấp đôi số lượng exosome. Xét về hiệu quả, exosome hoàn toàn có thể sánh ngang với thuốc kháng sinh.